Theo Giáo sư Nguyễn Văn Thịnh, trái ngành không phải là rào cản lớn, nếu bạn thật sự đam mê nghiên cứu khoa học, bạn nên dũng cảm vượt qua rào cản đó để theo đuổi chuyên ngành mà bạn muốn nghiên cứu.
.
Chia sẻ tại buổi hội thảo “Các phương pháp và hướng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tính toán” do Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST) tổ chức ngày 16.6.2017, GS. Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, Giảng viên Khoa Kỹ thuật công trình và Môi trường trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, Giáo sư thỉnh giảng trường đại học Guelph, Canada đã chia sẻ, “
bản thân tôi trước đây học toán, nhưng sau đó tôi đã dám từ bỏ toán học để sang Đức theo đuổi một chuyên ngành khác, đó là tính toán động lực chất lỏng, và đó cũng là một quyết định mà đến giờ tôi vẫn thấy mình đã lựa chọn đúng con đường”. Do đó, nếu các bạn cảm thấy chuyên ngành mình chưa phù hợp, bạn có đam mê trong một lĩnh vực khác, hãy dám từ bỏ và vượt qua ranh giới để theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình. Điều quan trọng là
“Các bạn phải xác định được mình muốn làm cái gì, trở thành cái gì. Câu hỏi tưởng chừng rất là dễ mà cũng rất khó trả lời, thậm chí có thể mất 2-3 năm trong cuộc đời để tìm ra câu trả lời”, GS Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ thêm.
GS. Nguyễn Văn Thịnh đang chia sẻ tại buổi hội thảo
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm, giảng viên trường Đại học Quốc tế TP.HCM, Công tác viên lâu năm của ICST cũng chia sẻ, nhóm nghiên cứu của anh là về Khoa học phân tử và vật liệu Nano, tuy nhiên cũng có nhiều bạn chuyên ngành Vật lý kỹ thuật và chính bản thân anh đôi khi cũng phải học hỏi thêm các thành viên trong nhóm nghiên cứu của anh giải thích rõ hơn vì những kiến thức trong chuyên ngành Lý anh chưa nắm kỹ. Anh Lâm chia sẻ thêm “dù bạn học chuyên ngành này thì vẫn có thể nghiên cứu ở một lĩnh vực khác, vì nó là thế mạnh ở chuyên ngành khác” nên các bạn hãy dũng cảm vượt qua được rào cản này. Cũng tại buổi hội thảo, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm còn chia sẻ kinh nghiệm trong việc đăng bài lên các tạp chí khoa học quốc tế, để đăng được bài trên tạp chí khoa học quốc tế đúng khả năng và mục tiêu, nhà nghiên cứu không chỉ cần quan tâm đến cách nội dung và trình bày bài viết mà việc chọn tạp chí theo chỉ số IF hay theo JCR để gửi bài cũng là yếu tố hết sức quan trọng.
.
PGS.TS Huỳnh Kim Lâm đang chia về cách trình bày và xuất bản 1 bài báo khoa học
Trong phần chia sẻ “Kinh nghiệm nghiên cứu của một số nghiên cứu viên trẻ đang làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ tính toán”, CN. Nguyễn Văn Hùng, một trong những nghiên cứu viên trẻ tại Viện có nhiều công bố quốc tế với chỉ số trích dẫn cao, đã chia sẻ “sự khó khăn là bắt đầu từ bước lấy ý tưởng đến quá trình thực hiện, phân tích kết quả, viết bài báo khoa học, trả lời phản biện…Chúng đều có nét khó khăn đặc trưng cho mỗi hướng nghiên cứu khác nhau: Có thể là khác ngành, cùng ngành khác hướng, cùng hướng nhưng khác đối tượng tiếp cận. Không có khó khăn nào giống khó khăn nào”. Anh cũng chia sẻ thêm “qúa trình chuyển đổi một ý tưởng thành một kết quả có thể mất vài tháng đến vài năm hoặc có khi không giải quyết được vì đề tài quá khó để thực hiện” và tài nguyên hệ thống tính toán hiệu nâng cao (HPC) cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Cùng một “ý tưởng”, tuy nhiên với nhóm nghiên cứu nào có lợi thế về hệ thống máy tính hơn sẽ hoàn thành công trình sớm hơn sẽ nhanh chóng gởi đến tạp chí và được nhận đăng. “Chẳng hạn, tại ICST cũng đã từng xảy ra trường hợp tương tự với một số nhóm như nhóm của GS. Mai Xuân Lý. Riêng các nhân tôi cũng từng bị trường hợp này rồi, đó là một công trình tôi phải bỏ hơn 8 tháng để thực hiện, tuy nhiên sau khi đã có dữ liệu chuẩn bị phân tích viết bài thì phát hiện trên tạp chí PCB đã nhận đăng bài có hướng tiếp cận gần như giống nhau của một nhóm ở Ấn Độ cách đấy được 2-3 ngày”.
Các nghiên cứu viên trẻ ICST đang chia sẻ tại buổi hội thảo
Trong phần giới thiệu về ICST, TS. Đoàn Xuân Huy Minh cũng chia sẻ Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán không chỉ là nơi thu hút các chuyên gia nước ngoài, nhà khoa học Việt kiều mà còn hiện đang có cơ chế Vườn ươm hỗ trợ các nhà Khoa học trẻ có thể đứng tên làm chủ nhiệm nhiệm vụ, đây là một cơ chế mở ra cho các nghiên cứu viên trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học.
.
Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - kiêm viện trưởng ICST đại diện ICST hứa chào đón, hỗ trợ các nghiên cứu sinh trẻ, các sinh viên sắp tốt nghiệp có mong muốn hợp tác hoặc cần sự hỗ trợ của ICST.
GS. Nguyễn Kỳ Phùng phát biểu khai mạc hội thảo
Tác giả: Kim Loan