Ngày 05 tháng 11 năm 2015, trong khuôn khổ hội thảo “Tính toán hiệu năng cao và ứng dụng thực tiễn” tại khách sạn Royal Sài Gòn, Viện Khoa Học Công Nghệ Tính Toán (ICST) phối hợp cùng Trung tâm Tính toán hiệu năng cao, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TPHCM tổ chức một diễn đàn trao đổi về thông tin trong lĩnh vực khoa học tính toán đặc biệt là tầm quan trọng của tính toán hiệu năng cao trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ. Tại hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Viện Trưởng ICST đã chia sẻ khoa học tính toán được xem như trụ cột thứ ba (cùng với lý thuyết và thực nghiệm) trong lĩnh vực khám phá tri thức và đã góp phần trong công cuộc cách mạng hóa khoa học và kỹ thuật.
.
Theo đó, khoa học tính toán cần được đầu tư hơn nữa cả về phần cứng và phần mềm, cụ thể là không chỉ cần có hệ thống máy tính hiệu năng cao (HPC) tốt, mà còn cần sự đầu tư cho các đề tài dự án nghiên cứu trong lĩnh vực này. Để đạt được điều đó, chỉ có sự đầu tư, quan tâm của nhà nước là chưa đủ, bản thân các nhà khoa học cũng cần tích cực đăng ký với các quỹ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Tuy nhiên, quỹ NAFOSTED được vận hành theo những quy định về tiêu chí rất chặt chẽ xoay quanh giá trị khoa học của đề tài và thành tích khoa học của người đăng ký chủ trì cũng như của thành viên hội đồng khoa học. Những giá trị và thành tích khoa học này được căn cứ theo những tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, kết quả của đề tài phải là các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học ISI (sau đây gọi tắt là “chuẩn ISI”), người đăng ký chủ trì cũng phải có ít nhất 2 bài báo chuẩn ISI trong 5 năm trở lại đây. Như vậy, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tính toán trước tiên cần phải nắm rõ các vấn đề về tiêu chí quốc tế chuẩn mực trong khoa học như ISI. Bài viết này giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về một số thước đo định lượng đánh giá nghiên cứu cũng như đánh giá nhà khoa học.
.
Trước hết, xin được giới thiệu và phân tích ngắn gọn về vai trò, giá trị và cấu trúc của một bài báo khoa học nhằm mục đích định hướng cho những nhà nghiên cứu trẻ, mới bước chân vào con đường khoa học để tự vạch ra những mục tiêu cũng như phương pháp nghiên cứu của mình sao cho phù hợp với những chuẩn mực của quốc tế. Các chuyên gia, những nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm cũng có thể có thêm một kênh tham khảo để hướng dẫn cho những sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của mình.
.
Bài báo khoa học – Thước đo đáng tin cậy để đánh giá một nhà khoa học
.
Ta có thể nói rằng bài báo khoa học chính là cốt lõi xuyên suốt quá trình nghiên cứu, từ khi bắt đầu tới khi kết thúc. Khi bắt đầu một đề tài, người nghiên cứu sẽ phải tìm đọc các bài báo của các tác giả khác về lĩnh vực đó nhằm hai mục đích: học những kiến thức nền tảng và nắm bắt xu thế nghiên cứu của đề tài. Từ đó, nhà nghiên cứu định ra con đường của mình, tìm hướng nghiên cứu riêng của mình. Một công trình nghiên cứu chỉ được coi là có giá trị khoa học khi kết quả của nó có thể được viết thành các bài báo đăng trên các tạp chí hoặc báo cáo ở các hội nghị khoa học quốc tế được thẩm định về chuyên môn thông qua phản biện của các chuyên gia. Bắt đầu bằng việc đọc và học từ bài báo của người khác và kết thúc ở việc công bố bài báo của bản thân mình, đó là một chu trình bắt buộc của nghiên cứu.
.
Có nhiều người từ trẻ tuổi đến gạo cội trong nhiều lĩnh vực khoa học có quan niệm về vai trò của bài báo khoa học và việc công bố bài báo khoa học như sau: "Bài báo chỉ là thứ để giải quyết vấn đề bằng cấp. Do yêu cầu phải có báo mới được bảo vệ luận án nên ta phải viết báo" hoặc "Nghiên cứu ứng dụng là phải ra sản phẩm có tính thương mại, phục vụ đời sống chứ không phải là viết báo. Giá trị của nghiên cứu nằm ở công dụng của sản phẩm chứ không phải ở chất lượng bài báo". Tư duy này khá phổ biến trong các ngành kỹ thuật công nghệ với suy nghĩ rằng nghiên cứu ứng dụng không cần công bố bài báo mà điều đó chỉ quan trọng trong nghiên cứu cơ bản.
.
Những suy nghĩ trên có thể đúng trong một số hoàn cảnh, tuy nhiên sự cần thiết của việc công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế đã được nhiều nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước khẳng định. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không đi vào phân tích quan điểm đúng sai mà chỉ muốn nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của bài báo khoa học đối với nghiên cứu. Trong giới khoa học phương Tây có câu thành ngữ “publish or perish”, tạm dịch là “công bố hay là chết”. Thực tế câu nói này hoàn toàn không hề phóng đại mọi đánh giá về nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học đều dựa trên bài báo khoa học. Luật của giới khoa học thế giới là đánh giá công trình nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học qua bài báo, nếu bạn không có bià báo tức là bạn đã chọn đứng ngoài cuộc chơi và về cơ bản, bạn sẽ không được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận.
.
Cấu trúc một bài báo khoa học
.
Nhìn chung, một bài báo khoa học có cấu trúc gồm các phần: Giới thiệu (Introduction), Phương pháp (Materials and Methodology), Kết quả và đánh giá, bình luận (Results and Discussion) và Kết luận (Conclusion). Đây là một cấu trúc tổng quan cho tất cả các ngành, bạn đọc có thể tham khảo
tại đây.
.
Đối với từng loại bài báo và từng lĩnh vực cụ thể, cấu trúc trên có thể có sự thay đổi. Chẳng hạn một bài báo về khoa học cơ bản sẽ chú trọng đến các thuật toán và phương pháp hơn là các mô hình và bản thiết kế chi tiết và thử nghiệm thực tế. Tuy vậy, dù trong trường hợp nào, giá trị khoa học quyết định của bài báo cũng nằm ở đóng góp mang tính học thuật của tác giả về phương pháp đề xuất, đó gọi là yêu cầu về “cái mới” (novelty) của các công bố khoa học.
.
Còn một dạng bài báo nữa thường được đọc và trích dẫn rất nhiều là các bài tổng quan (review paper). Đây thường là những bài báo do các tác giả có uy tín viết, nó là đánh giá tổng quan về một sự phát triển, một nhánh nghiên cứu nào đó với những nhìn nhận, phân tích và tổng hợp dựa trên kết quả nghiên cứu của chính tác giả và của các tác giả khác. Loại bài báo này có thể không có phương pháp đề xuất mới, mà giá trị của nó nằm ở những đánh giá tổng hợp của tác giả giúp người đọc có cái nhìn hệ thống về các vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn.
.
Không chỉ dành cho bài báo, cấu trúc trên còn là cấu trúc điển hình của một báo cáo khoa học, đồ án tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ. Hơn thế nữa, một quy trình nghiên cứu cũng theo đúng cấu trúc như trên. Người làm nghiên cứu đầu tiên phải đọc công trình của các tác giả khác để học nền tảng kiến thức và xác định rõ mục tiêu cũng như hướng nghiên cứu của mình. Sau đó, bằng việc phân tích đánh giá ưu và nhược điểm của các phương pháp đã có, từ đó đề xuất ra phương pháp của mình. Sau khi có ý tưởng và phương pháp, ta xây dựng các mô phỏng và hệ thống thực nghiệm để thử nghiệm các phương pháp cũ và mới, từ đó điều chỉnh phương pháp đề xuất và công bố kết quả là bài báo của mình khi nghiên cứu đã hoàn thiện.
.
Khái niệm về ISI
.
Như vậy, ta đã nhận thấy về vai trò quan trọng của bài báo khoa học. Các bài báo sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học hoặc báo cáo tại các hội nghị khoa học. Tuy vậy, không phải tạp chí và hội nghị nào cũng có giá trị như nhau và đều được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Ta dễ thấy sẽ có những tạp chí đăng bài tương đối dễ, có những tạp chí là niềm mơ ước cả đời không với tới được của nhiều nhà khoa học. Vyậ làm sao để biết được tạp chí nào có uy tín và tạp chí nào kém uy tín hơn? Câu hỏi trên có thể được trả lời một cách đơn giản:
tạp chí nằm trong danh sách thống kê của Viện Thông tin Khoa học ISI (Institute for Scientific Information). ISI được thành lập bởi Eugene Garfield, một nhà khoa học người Mỹ, vào năm 1960 và sau đó được sáp nhận vào tập đoàn Thomson Reuters. ISI thống kê, đánh giá và xếp hạng hàng nghìn tạp chí khoa học thuộc hầu hết các lĩnh vực tạo thành một bộ cơ sở dữ liệu thông tin khoa học đáng tin cậy với nhóm:
- SCI (Science Citation Index) có 3773 tạp chí thuộc 100 ngành. Sau đó có SCIE (Science Citation Index Expanded với 8207 tạp chí thuộc 150 ngành. Có thể xem rằng các tạp chí thuộc SCI được đánh giá cao hơn các tạp chí thuộc SCIE (mở rộng).
- SSCI (Social Sciences Citation Index) gồm 2697 tạp chí và 3500 công trình của 50 ngành. A&HCI (Art and Humanities Citation Index) gồm 1470 tạp chí và 6000 công trình. Đây là những tạp chí thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- CPCI (Conference Proccedings Citation Index) gồm 110000 tuyển tập hội nghị.
.
Một số thước đo đánh giá nhà khoa học
.
Trong phần này, người viết sẽ giới thiệu hai chỉ số cơ bản và thường được sử dụng để đánh giá các công trình nghiên cứu và đánh giá các nhà khoa học; cùng với đó là một số phân tích về ưu và nhược điểm của những thước đo này.
.
Chỉ số trích dẫn (Citation Index)
.
Chỉ số trích dẫn được Garfield đưa ra vào năm 1955, đó là toàn bộ số lần một bài báo được trích dẫn trong các tài liệu khác. Đây là chỉ số đơn giản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất vì nó là nền tảng để tính các chỉ số khác. Ta thấy rằng một bài báo có chất lượng của một tác giả uy tín sẽ được nhiều người đọc, tham khảo và trích dẫn và ngược lại. Do vậy, có thể lấy số lần trích dẫn chính là thước đo giá trị của bài báo, tạp chí và tác giả.
Tuy đây là một chỉ số hợp lý, nó có những vấn đề gây khó khăn cho việc đánh giá. Trong bài viết này, người viết đề cập đến hai vấn đề: sự khác nhau giữa kết quả từ các công cụ thống kê khác nhau và văn hóa trích dẫn của từng ngành.
.
Sự khác biệt về kết quả giữa các công cụ thống kê
.
Việc thống kê trích dẫn của các tạp chí và bài báo ngày nay đều dựa trên các công cụ tìm kiếm và thống kê bằng máy tính. Trên thế giới có rất nhiều các công cụ như vậy. Xin phép được giới thiệu ba công cụ:
ResearchGate,
Europe PMC và
Google Scholar. Đây là những công cụ khá mạnh với bộ cơ sở dữ liệu được coi là phong phú nhất trong các công cụ tìm kiếm.
.
Do dựa trên những cơ sở dữ liệu khác nhau nên kết quả thống kê của các công cụ này cũng khác nhau. Lấy một ví dụ, một bài báo của GS Mai Xuân Lý và TS Ngô Sơn Tùng là “Curcumin binds to AB1-40 peptides and fibrils stronger than ibuprofen and naproxen” đăng trên tạp chí The Journal of Physical Chemistry B năm 2012, sử dụng ba công cụ tìm kiếm khác nhau đem lại ba kết quả khác nhau, với các kết quả là 27, 12 và 20 như các Hình 1, 2 và 3.
.
Hình 1 – Kết quả tìm kiếm trên google scholar
.
Hình 2 – Kết quả tìm kiếm trên Research Gate
.
Hình 3 – Kết quả tìm kiếm trên Europe PMC
.
Sự khác biệt về văn hóa trích dẫn của mỗi ngành
.
Có một thực tế là ta rất khó so sánh các công trình và các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau dựa trên số lần trích dẫn, lý do là mỗi ngành có một đặc trưng về trích dẫn khác nhau. Có ngành trích dẫn nhiều, có ngành trích dẫn ít. Một thống kê trên
Hình 4 cho ta cái nhìn về sự khác nhau giữa số lần trích dẫn trung bình trên một bài báo ở các ngành khoa học khác nhau. Như vậy, ta có thể nhận định một cách tương đối rằng một bài báo trong ngành khoa học cơ bản được trích dẫn 2 lần sẽ tương đương với một bài báo trong ngành Vật lý được trích dẫn 6 lần. Sự khác biệt về văn hóa trích dẫn này dẫn tới những sự chênh lệch và khác biệt lớn về
hệ số ảnh hưởng (
Impact Factor) sẽ được nói đến sau đây.
.
Hình 4 – Số lần trích dẫn trung bình trên một bài báo thuộc các nhóm ngành khác nhau (2013, Gali Halevi)
.
Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor - IF)
.
Hệ số ảnh hưởng (IF) là thông số được tính hàng năm cho mỗi tạp chí, nó thể hiện rằng các bài trong tạp chí đó được trích dẫn nhiều hay ít, nghĩa là chất lượng của tạp chí cao hay thấp. Thông số này được tính hàng năm và thay đổi theo thời gian, có khi biến động rất lớn.
.
Hệ số ảnh hưởng của một tạp chí trong năm được tính bằng tổng số lần các bài báo trong tạp chí đó được trích dẫn trong 2 năm liền trước chia cho tổng số bài báo trong hai năm đó. Ví dụ, Nếu một tạp chí có tất cả 100 bài trong hai năm 2000 và 2001 và được trích dẫn tổng cộng 390 lần thì hệ số ảnh hưởng của năm 2002 sẽ là 390/100 = 3,9.
.
Hệ số ảnh hưởng cho biết uy tín và chất lượng của tạp chí. Hệ số này càng cao thì tạp chí càng có uy tín và càng khó để có bài được đăng trên tạp chí này. Một bài báo được đăng trên một tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao sẽ được đánh giá cao, dễ được đọc và được trích dẫn hơn. Một nhà khoa học đăng được bài trên tạp chí chất lượng và bài báo được trích dẫn nhiều sẽ được đánh giá cao. Vì vậy hệ số ảnh hưởng mang những hạn chế đặc thù của hệ số trích dẫn. Một thống kê rất thú vị và chi tiết về sự khác biệt giữa hệ số ảnh hưởng trung bình của các lĩnh vực được thể hiện trong
Hình 5.
.
Hình 5 – Hệ số ảnh hưởng trung bình thuộc các lĩnh vực khác nhau (Source: Scopus®)
.
Kết luận
.
Trong bài viết này, tác giả đã trình bày về vai trò, tầm quan trọng và cấu trúc điển hình của bài báo khoa học, tiếp đó là những khái niệm cơ bản để đánh giá nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học. Mong rằng bài viết sẽ là một tài liệu tham khảo có ích cho những nhà nghiên cứu trẻ trong định hướng và xác định mục tiêu trong khoa học cũng như tìm được hướng đi đúng đắn cho tương lai, góp phần phát triển văn hóa nghiên cứu trong cộng đồng khoa học Việt Nam.
.
Tài liệu tham khảo
.
1. America's Knowledge Economy, The Council of State Government (online), xem
tại đây
2.Citations characteristics in the Art and Humanities, Gali Halevi, 2013, Research Trends (online) Xem
tại đây