Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang có dấu hiệu thu hẹp lại dù núi lửa hoạt động
Một lỗ thủng lớn của khí quyển Trái Đất đang hồi phục. Thật vậy, kích thước trung bình của lỗ thủng tầng ozone Nam cực đã thu nhỏ khoảng 4.5 triệu kilomet vuông, tức lớn hơn diện tích của Ấn Độ kể từ tháng 9 năm 2000. Thông tin trên được các nhà khoa học công bố trong báo cáo trực tuyến trên tạp chí Science ngày 30 tháng 6. Các nhà khoa học cho rằng mặc dù đến giữa thế kỷ này, lỗ thủng trên mới có thể biến mất, điều đó cũng là một bằng chứng cho thấy sự thành công của Nghị định thư Montreal. Hiệp ước quốc tế này (thực hiện năm 1989) cấm thế giới sử dụng các chất có khả năng phá hủy tầng ozone - gọi chung là các hợp chất hữu cơ gốc clo và flo.
.
Ảnh chụp tầng ozone Theo các nhà khoa học, lỗ thủng tầng ozone ở Nam cực đang thu hẹp dù cho có sự hoạt động của núi lửa gần đây. Chính núi lửa đã làm gia tăng kích thước của lỗ thủng (vùng màu xanh da trời bao phủ Nam Cực) đến mức kỷ lục vào tháng 10 năm 2015. (nguồn: NASA)
.
Tầng ozone có tác dụng bảo vệ sự sống của Trái Đất khỏi tác hại nguy hiểm của tia cực tím từ vũ trụ. Công việc theo dõi quá trình phục hồi của tầng ozone vô cùng khó khăn do những hiện tượng tự nhiên như sự phun trào của núi lửa, sự biến đổi liên tục của khí hậu thỉnh thoảng làm thay đổi kích thước tầng ozone. Mặc dù một số nghiên cứu gần đây cho rằng tầng ozone đã bắt đầu phục hồi, nhiều nhà khoa học vẫn còn đặt câu hỏi liệu nghiên cứu trên có đủ chi tiết và chính xác để tách rời tác động của những biến đổi tự nhiên.
.
Nhà khí quyển học của Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) Susan Solomon và cộng sự đã sử dụng một mô hình khí quyển 3D phức tạp và hiện đại để phân biệt những lực ảnh hưởng lên ozone khí quyển. Kết quả cho rằng khoảng một nửa diện tích lỗ thủng tầng ozone giảm đi là nhờ việc giảm nồng độ các hợp chất hữu cơ gốc clo và flo trong khí quyển; phần còn lại bắt nguồn từ những thay đổi của thời tiết.
.
Núi lửa đã che khuất những dấu hiệu nhận ra sự phục hồi của tầng ozone. Tháng 10 năm ngoái, lỗ thủng tầng ozone đã đạt đến kích thước trung bình kỷ lục là 25,3 triệu kilomet vuông - lớn hơn diện tích nước Nga - do núi lửa Calbuco ở Chilê phun trào vào tháng 4. Tuy nhiên, kích thước lớn như vậy không bác bỏ sự thật rằng tầng ozone đang phục hồi dần. Các nhà khoa học tính toán, nếu không xảy ra hiện tượng núi lửa, kích cỡ trung bình của lỗ thủng sẽ chỉ đạt đến con số khiêm tốn 21,1 triệu kilomet vuông.
.
Nguồn: ScienceNews
Biên dịch: Hữu Nhân, Thanh Ngọc