Do ảnh hưởng của sự gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, sự thay đổi khí hậu, kết hợp với quy hoạch cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với các đe dọa nghiêm trọng từ tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Với khoảng 45% diện tích TPHCM chỉ cao hơn mặt nước biển chưa đến 1 mét, thành phố và đặc biệt là hệ thống giao thông rất dễ chịu tác động bởi tình trạng ngập đường nhất là trong những mùa mưa. Nhiều dự án chống ngập đô thị cũng như những giải pháp cho vấn nạn kẹt xe đã được đề xuất và triển khai tại TP.HCM. Tuy nhiên, các dự án và giải pháp này chủ yếu tập trung vào sự phát triển cơ sở hạ tầng, đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian triển khai rất lâu dài. Một vài giải pháp về giao thông thông minh và các ứng dụng di động cũng đã được đề xuất, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự án nào được thực hiện cụ thể tại TP.HCM.
.
Dự án Smart Saigon được xây dựng từ ý tưởng khai thác thông tin từ cộng đồng (information crowsourcing) kết hợp Hệ thống thông tin địa lý để xử lý và hiển thị thông tin xã hội theo thời gian thực. Smart Saigon được phát triển trên nền tảng hệ thống nguồn mở CogniCity của Trung tâm SMART Infrastructure Facility thuộc trường Đại học Wollogong, Úc. Đây là một công trình nghiên cứu về khai thác thông tin từ mạng xã hội về cơ sở hạ tầng đô thị và vị trí địa lý liên quan.
.
Dự án Smart Saigon có tên gọi đầy đủ là “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và mạng xã hội trong quản lý giao thông đô thị với điều kiện thời tiết khắc nghiệt” do TS. Đoàn Xuân Huy Minh làm chủ nhiệm. Tổng kinh phí thực hiện dự án là gần 600 triệu đồng, được đầu tư hoàn toàn từ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học của Viện KH&CN Tính toán.
.
.
Trong giai đoạn đầu, Smart Saigon đặt mục tiêu giải quyết 2 vấn đề cấp bách của thành phố là ngập lụt và kẹt xe. Hai mạng xã hội được lựa chọn để thử nghiệm là Twitter và Facebook với ưu điểm là có lượng người dùng lớn, hoạt động ổn định và hỗ trợ kỹ thuật tốt. Riêng trong tháng 7, các ngày mưa lớn đều có từ 15-20 tin báo ngập gửi về hệ thống, chủ yếu từ mạng xã hội Facebook.
.
Làm sao để kiếm tra tính chính xác của một báo cáo ngập lụt? Hệ thống sẽ kết hợp phân tích hình ảnh trích xuất từ camera giao thông, tổng hợp thông tin từ VOV giao thông và nhiều nguồn khác về tình trạng ngập đường hoặc kẹt xe tại tọa độ được báo cáo. Bên cạnh đó, số lượng tin báo ngập tại một địa điểm càng nhiều thì càng có khả năng chính xác cao.
.
Các tin báo về ngập lụt và giao thông (có thể gửi kèm hình ảnh hoặc video clip) được gửi đến địa chỉ @smartsaigon từ các mạng xã hội sẽ được hệ thống cập nhật tức thời trên trang bản đồ trực tuyến tại website https://smartsaigon.info. Nhóm thực hiện đề tài cũng đã thử nghiệm thành công việc hiển thị tin báo trên các bản đồ trực tuyến của Google maps và Vietbando (maps.vietbando.com) và sẽ tích hợp vào hệ thống trong thời gian tới.
.
.
Không chỉ hiển thị trên các bản đồ trực tuyến, dự án cũng hướng tới việc cung cấp ngược lại các tin báo ngập lụt, kẹt xe cho các cơ quan quản lý (như Sở GTVT, Phòng CSGT), hoặc cơ quan truyền thông, báo đài để có thông báo kịp thời cho người dân, người tham gia giao thông trong khu vực, cũng như để giúp người dân trong khu vực bảo vệ nhà cửa, tài sản. Một cách gián tiếp, @smartsaigon cũng giúp cho thông tin của các cơ quan chức năng được sử dụng một cách hiệu quả hơn để cải thiện khả năng ứng phó của thành phố và người dân.
.
Đối với những người có ý định tham gia giao thông trong điều kiện mưa to hoặc trong các thời điểm có khả năng gây ngập (như triều cường), việc kiểm tra tình hình giao thông tại website smartsaigon.info trước khi ra khỏi nhà có thể giúp họ chủ động tìm đường đi phù hợp nhất. Với khả năng tích hợp vào các hệ bản đồ phổ biến hiện nay, Smart Saigon cũng có thể giúp những người sử dụng các thiết bị, chương trình định vị trên xe ôtô biết khu vực đã được cảnh báo để giảm thiểu các gián đoạn do ngập đường và/hoặc ùn tắc giao thông gây ra.
.
Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý, nếu được tương tác một cách hợp lý với thông tin từ mạng xã hội, cũng cho thấy tiềm năng rất lớn không những trong hoạt động quản lý đô thị mà còn trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân. Cụ thể, mạng xã hội có thể được phát triển như một kênh thu thập tin báo của người dân đến chính quyền về mọi vấn đề xã hội (ví dụ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự...) hoặc tình trạng cơ sở hạ tầng đô thị (tình trạng đường sá, cây xanh, điện, nước...) . Các dữ liệu này có thể được hiển thị tức thời trên các bản đồ liên quan và giúp cơ quan quản lý có phương án xử lý chính xác, kịp thời và hiệu quả./.